Ngày 3: Bình Minh Lũng Cú – Chợ Đồng Văn – Mậu Duệ - Lũng Hồ…
Từ khi còn đi học, tôi đã phải vất vả học thuộc các địa danh mà chưa một lần đặt chân đến hay hiểu về nó và biết rằng Việt nam ta bắt đầu từ điểm cực Bắc ở chòm Lũng Cú trên cao nguyên Đồng Văn –Hà Giang và chấm dứt ở điểm cực nam là xóm Rạch Tàu - thuộc mũi Cà Mau. Và khi lớn lên, cũng khát khao một lần được đặt chân đến đó, tôi cũng không ngờ rằng hôm nay lại thành sự thực.
Chưa kịp đánh răng, rửa mặt, trưởng đoàn đã kéo mọi người lên cột cờ Lũng Cú để ngắm bình minh. Từ nhà nghỉ Lũng Cú đi xe khoảng 2km, tập thể dục lên bậc thang và chúng tôi chạm cực Bắc của tổ quốc lúc 5h15 nghe tiếng gà gáy, tiếng lá cờ đỏ sao vàng (dài 54m tượng trưng cho 54 dân tộc anh em) phần phật trước gió.
Bình minh vẫn chưa lên, chúng tôi thưởng thức cái khoảnh khắc cực Bắc bằng việc chụp hình và cảm nhận: Đứng ở đây, chưa bao giờ tôi thấy hai từ “ tổ quốc” – một vùng biên giới được cảm nhận một cách rõ rệt, cụ thể và thiêng liêng đến như vậy. Và cái khoảnh khắc mặt trời mọc lên từ núi đẹp tuyệt vời.
Rời Lũng Cú, chúng tôi đi chợ Đồng Văn, con đường mà tối qua chúng tôi không thấy gì, nay tầng tầng xếp lớp đá là đá, vực sâu sâu đến tận cùng, núi cao như chưa bao giờ cao thế. Có lẽ ở dưới đáy đại dương nó cũng thế này?
Chúng tôi tới chợ Đồng Văn, chia nhau đi chụp hình. Chưa bao giờ mình thấy chợ có nhiều người dân tộc đến thế, đủ các màu.
Chợ này lạ, nhìn ai cũng phải đang ăn cái gì.
Mình thích nhất bức hình anh chàng cắp con heo này hihi…
Chúng tôi sau khi khám phá gần hết chợ thì đến quán Thắng Cố - một món ăn được ưa chuộng của người vùng cao. Mr Hùng là người luôn muốn hòa mình vào đồng bào nên anh thử tất cả những gì người Mông thử. Đầu tiên là cho que kem ốc quế (1000) cho nó giống dân tộc này, tiếp theo là thắng cố với mèn mén này.
Tôi chịu món Thắng Cố, vừa cố gắng nến thử đã nôn ọe. Mr Hùng đã mua được cái áo Mông trưởng bản, mình cũng tính mua cái váy Mông nhưng lại thôi.
Hưng(Ju) trưởng đoàn đã mua được 2 con chó – Chính vì hai con chó này mà Hưng có nick name khác: Hưng lái chó. Lang thang chán chúng tôi vào café phố cổ - một ngôi nhà cổ của địa chủ họ Lương xưa cũng ngót 100 năm tuổi(xem lại ngày 2). Café, nghỉ ngơi. Ăn trưa.
Chiều chúng tôi tiếp tục hành trình đi Mèo Vạc - Mậu Duệ.
Khi còn bé, tôi được nghe kể về sự cheo leo, khó khăn của con đường đến Mèo Vạc, vượt qua Mã Pí Lèng, nghe nói có một cô giáo vùng xuôi lên miền này dạy học, khi trèo được tới đỉnh đèo cô đã nhìn về xuôi mà thề rằng sẽ không đi qua con đèo này thêm một lần nào nữa.
"Công trường làm đường, phá đá vĩ đại nhất trong lịch sử, chinh phục cao nguyên cao nhất Việt Nam - cao nguyên Đồng Văn.
Các tài liệu chính thống cho biết: hàng vạn lượt người, trong 8 năm ròng (từ năm 1959 đến năm 1965), đã tay búa tay choòng phá đá một cách thủ công nhất, trong thời gian lâu nhất với 2 triệu ngày công, để mở gần 200km đường ôtô vào Đồng Văn – Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà tự thuở hồng hoang đến năm 1965 vẫn có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ.
Nơi đó, phỉ vẫn tuyên truyền, bao giờ đá mọc trên đầu người được, con dê đực đẻ con được thì Việt Minh mới làm được đường vào. Đường mở trong thời phỉ đang hành hoành mổ bụng cán bộ, treo cán bộ lên cây làm bia tập bắn.
Và, để có được “Vạn lý trường thành” bằng đá ác liệt nhất trong lịch sử mở đường của nước nhà ấy, thanh niên xung phong của 18 dân tộc, thuộc 6 tỉnh Khu tự trị Việt Bắc đã làm việc quên mình với tinh thần cộng sản…
Tất cả các tài liệu địa lý đều khẳng định: cao nguyên đá Đồng Văn, mênh mông rợn ngợp đá là cao nguyên cao nhất Việt Nam. Đá hùng vĩ và khắc nghiệt đã tạo nên vẻ quyến rũ đặc biệt của các huyện miền Bắc núi đá tỉnh Hà Giang, gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
có tới gần ba nghìn ngày với hơn 2 triệu ngày công, những TNXP cống hiến cho công trường đường Hạnh Phúc. 11 tháng, tức là hơn 330 ngày trời, anh chị em treo mình trên vách đá Mã Pí Lèng (con dốc cao nhất, khối đá vững chắc và cheo leo nhất cao nguyên Đồng Văn) để mở riêng con đường vượt dốc đó.
Một con dốc, một cuộc treo mình kỳ lạ, mà chắc chắn lịch sử nước nhà không có cuộc mở đường phá đá thứ hai nào đến mức ấy.
Khi cùng đoàn các văn nghệ sỹ nổi tiếng như Chế Lan Viên, Văn Cao, Xuân Diệu… đi thực tế ở công trường Đồng Văn, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết về sự kiện đường ôtô khó nhọc vượt dốc Mã Pí Lèng như sau:
“Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc hai mươi bốn cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng (chiết tự ra là Xống – mũi - ngựa) này thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục mìn, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại (...)" - Sưu tầm.
http://vietbao.vn/Phong-su/Noi-niem-trang-su-da-ky-vi-nhat-Viet-Nam/70095001/262/
Chúng tôi tiếp tục hành trình đi Mèo Vạc rồi qua Mậu Duệ. Lúc này đã là 16h. Chúng tôi có ý định đi Du Già và sau khi nghe ý định của chúng tôi thì hầu hết những người được hỏi đường đều cản. 30km đường đá dốc, đá cấp phối và đặc biệt là tối. Chúng tôi đổ xăng, chuẩn bị hành lý cho chuyến đi đêm không biết điểm dừng. Đúng he cảnh báo, con đường rất xấu, chúng tôi đi và đi, đến Đỉnh đèo và cảm giác cũng khá xa, ai cũng nghĩ chắc phải đến Du Già rồi nhưng vẫn chưa, chúng tôi bắt đầu xuống dốc và mừng húm khi thấy xa xa có ánh điện lẻ loi. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi xuống dốc đá cấp phối và tự nhủ ánh điện kia chắc là tới rồi nhưng đi mãi, xuống mãi vẫn chưa thấy đâu là đáy thung lũng. Cuối cùng đi qua khoảng chục cái vòng đi xuống, tốc độ xuống dốc luôn là sô 1 thì chúng tôi cũng tới được đáy thung lũng bản Lũng Hồ.
Vì trời mưa, đường đá cấp phối làm chờn bước chân của những kẻ lữ hành, chúng tôi ai cũng mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi nên quyết định ngủ lại đây. Chúng tôi vào cả Ủy ban, bệnh xá xin ngủ nhờ mà không được. Ms Xuân Hà nói: Giờ mà không có chỗ nghỉ lại chị ngất luôn ra đây ăn vạ cả bản hihi.
Cuối cùng thì lời của chị cũng động lòng anh em nhà sửa xe, chúng tôi qua đêm tại một hiệu sửa xe máy – một nơi tạm bợ hơn cả mức tạm bợ, nhưng còn hơn là ở ngoài đường và lúc này trời đang bắt đầu mưa.
Mình tính mắc võng ngủ ngoài hiên nhưng được một lúc thấy có anh Mông lảng vảng nên sợ quá đành vào nhà ngủ.
Vừa ăn tối vừa nhìn màn mưa mà cầu mong trời mưa hết tối nay đi rồi ngày mai tạnh cho chúng tôi tiếp tục hành trình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét