Lênh đênh trên con thuyền ngược dòng sông Mekong rộng lớn, tôi không khỏi suy tư về một vùng đồng bằng châu thổ với tổng diện tích lên đến 40.000km2 và dân số hơn 18 triệu người mà sao đôi bờ vẫn thấy hoang vắng, mênh mông.
Đứng trước ngút ngàn xanh của cây trái, của vựa lúa lớn nhất cả nước, mới thấy được vẻ đẹp bình dị của đất nước Vietnam.
Bìm bịp lại kêu, nước lớn, nước ròng, phong cảnh cũng từ đó mà thay đổi theo rồi những ngày rằm, ngày một, nước ngập bờ, ngập kênh làm ta thấy sức mạnh của nước, sức cuộn chảy phù sa, lam ta không phân biệt dược đâu là sông đâu là biển cả.
Các thị trấn thị tứ cũng khác xa so với các vùng miền trong cả nước. Mỗi thị trấn, thị xã hay thành phố là sự quần cư của một doi đất rộng mà từ đó di cư theo hình tia tỏa đi các hướng men theo các triền sông, kênh - những con đường miền Tây được thiết lập phần lớn là dọc theo các sông, kênh rạch(đường sông có trước, đường bộ theo sau) trên những hình tia đó, nếu gặp nhưng doi đất rộng, vượng địa thì một thị xã, thị trấn lại được hình thành, cứ như thế những cụm dân cư được hình thành nối dài ra theo hướng ra biển.
Nhìn triền sông, cánh đồng màu mỡ với cây trái xum xuê, hoa thơm, trái ngọt, xóm làng trù phú rồi nhớ đến những câu ví von về sự ưu đãi của thiên nhiên về vùng đất "làm chơi, ăn thật", "cá nhung nhúng dưới đìa, lúa mọc không cần gieo", truyện kể rằng có con Ó cá, bắt cá trên sông mà bị cá đớp lại, mất xác, rồi truyền thuyết về cá sấu chín đầu...theo lệ cứ giáp tết la cư dân tát hầm bắt cá và để dành ăn được cả tháng giêng rồi lại nhớ đến những thiên nhiên rộng lớn làm người ta phải ớn lạnh "Con chim kêu phải sợ, con cá quãy phải kinh", vùng đất mà muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh" thì mới thấy được cái dũng khí, sức mạnh của cha ông ta - những người khẩn hoang vùng đất lâm sơn, thú giữ này từ hơn 300 năm trước.
Chính vùng đất đã tạo nên tính cách con người Nam Bộ thiệt thà, gắn bó, cởi mở, nhiệt tình, hiệp nghĩa, ăn to nói lớn.
Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên từ Cần Thơ lên đò đến một thị trấn nhỏ của tỉnh Vĩnh Long, đi bộ theo con đường đất được che mát bởi những cây trái như sầu riêng, cây bông so đũa, bưởi, tre...khoảng 10 phút, thì nhà má tư hiện ra bên kia bờ ao, chúng tôi đi vào đến sân mà chẳng thấy ai ra đón, có lẽ không có ai ở nhà? nhưng không phải thế - cả nhà đang ngồi ở sau nhà (Bếp - một phần của ngôi nhà thường được tách riêng khỏi nhà chính vì khói- nơi xôm tụ nhất,nếu là khách quen thì thường ghé bếp thay vì vào nhà chính).
Cả nhà ào ra đón chúng tôi như những đứa con lâu ngày từ xa mới về, rửa mặt mũi, chúng tôi mang theo rổ và xán theo mấy em nhỏ trong nhà đi vườn cách đó chỉ một con kênh nhưng nếu đi đường bộ là 1km để đào củ Lùn (một loại cây mà lá thì giống lá giong ta và củ thì giống củ từ)để tối nấu ăn chơi.
Chúng tôi lang thang theo đường mòn hai bên là hàng chuối cau lá vươn dài lên trời xanh mát đến vườn chôm chôm đang mùa cho trái, tôi bẻ trái chôm chôm khó nhọc và tìm thâm vì nhựa chôm chôm làm cả nhà cười mãi, nói chuyên với má một hồi và hỏi má có hiểu con nói gì không? chèng đéc ơi, gọi nhỏ thông dịch ra dịch dùm má...
Giờ thì tôi đã biết thưởng thức trái chôm chôm theo kiểu miền Tây, biết củ đậu là củ sắn, củ sắn là củ khoai mì...Biết nhớ má, nhớ miền Tây, nhớ Lục Vân Tiên, nhớ "Đất phương Nam"...
Hôm nay con lại về thăm má...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét