Chán nản với 3 ngày ăn, ngủ, xem phim, rồi lại online… Tôi lại phải lên đường. Hành trình hôm nay của tôi đi khám phá rìa phía Đông của Saigòn: Saigon – Cần Đước- Gò Công - Cần Giờ - Nhà Bè. Mục đích chính của tôi là vượt cửa song Soài Rạp và làng gạo Nàng Thơm - Chợ Đào.
Dậy sớm hơn thường lệ, đang suy nghĩ nên ăn không ngồi rồi cho hết kỳ nghỉ lễ hay là thực hiện chuyến đi 1 ngày. Cuối cùng tôi quyết định lên xe và thế là đi.
07:00 Khởi hành qua phà Cần Guộc, xuôi về Cần Đước, tôi dừng chân tại cánh đồng lúa Nàng Thơm xã Mỹ Lệ.
Lang thang ở cánh đồng khô cằn, nứt nẻ và suy nghĩ, tìm tòi vì sao nó có thể cho ra một sản phẩm gạo độc đáo: Hạt gạo trắng dài, giữa là hình hột lựu sữa rất ấn tượng. Người nông dân ở đây cũng không biết, chỉ biết tự hào vì giống lúa này chịu đất này mà thôi.
Một người nông dân khác cho biết có lẽ nó ngon là bởi nước ở đây có khi là nước lợ, có khi là nước ngọt. Mấy năm gần đây lúa ở đây không được dẻo như trước có lẽ tại thuỷ lợi chỉ đợi khi có nước ngọt mới cho vào ruộng.
Một đặc biệt khác về cây lúa Nàng Thơm là một năm chỉ trồng được có 1 vụ, thời gian trồng khá lâu: 6 tháng, tháng 4 – 5 âm lịch là thời gian gieo mạ(3 tháng) và tuỳ theo thời tiết nó sẽ trổ bong, nếu gặp thời tiết không thuận nó sẽ đợi chờ trời trở lạnh rồi mới trổ bong. Cây càng cao thì năng suất càng lớn và lúa càng chất lượng.
Dì Út chia sẻ kinh nghiệm trông lúa Nàng Thơm của mình: Trồng năm nay, để giống rồi đổi cho nhà nông khác vì giống lúa này nếu trồng trên mảnh đất cũ thì lúa sẽ mất ngon và năng suất không cao. Giống lúa rất tiểu thư, khó khăn cho việc thu hoạch bởi vì cây lúa không đều và mọc bong so le. Ở cùng một vùng đất được phù sa bởi dòng Vàm Cỏ đông và song Cần đước tuy nhiên chỉ có một diện tích nhỏ là trông tốt loại này. Nếu lúa trồng ở nơi khác thì chỉ trồng được 1 vụ, vụ sau đã hết thơm, có lẽ giải pháp đưa ra là vùng này sẽ trồng lúa giống Nàng Thơm cung cấp cho cả nước.
Tạm biệt vựa lúa tôi tiếp tục qua kênh nước mặn để đến thăm nhà cổ trăm cột có từ 100 năm nay.
Ngôi nhà nằm trên một nền đất cao đến 1 thước, nội thất toàn bằng gỗ, được chạm trổ tinh vi bởi bàn tay của các nghệ nhân tuyển từ Huế vào. Cái đập vào mắt tôi là một khoảng không gian cổ xưa tuy nhiên tôi không cảm nhận được sự chăm sóc cẩn thận hay gọn gang của chủ nhân hiện tại. Ngay cổng vào là một chuồng gà, xung quanh nhà là vườn tược không được chăm sóc thường xuyên, bốc mùi.
Nội thất toàn bằng gỗ nhưng bừa bộn và không sạch sẽ. Hoành phi câu đối được treo một cách chằng chịt. Và điều đặc biệt là khi bạn đến được đưa vào trước nhà và chủ nhân sẽ đưa ra quyển sổ đóng góp ý kiến và khi ý kiến xong thì phải cũng như người ta nghĩa là đóng tiền hỗ trợ trùng tu nhà: Ít nhất là 20k. Mình chắc là thuộc nhóm máu A nên thấy hơi phí và bị éo buộc.
Tạm biệt ngôi nhà cổ và vùng đất bụi bặm, tôi bắt chuyến đò ngang sang vùng đất Gò Công, thẳng tiến về biển Tân Thành. Tôi chẳng có ý định tắm biển hay ăn hải sản gì, chỉ là đi để điềm danh đồng thời cũng muốn dọc theo con đê biển về phía cửa Soài Rạp. Đến Tân Thành lúc 2h chiều, chỉ có một nhóm học sinh, một cặp tây ba lô và một vài ngư dân ở đó. Xa xa là chòi nuôi ngao, nước biển đỏ phù sa bởi cửa song. Dọc theo con đê hướng về Vàm Láng, cảnh sắc hai bên đường hoang vu một biên là đước, xú, thi thoảng điểm xuyết bằng những chòi nuôi ngao một bên là cánh đồng lúa vừa hết mùa gặt, hay những ao nuôi tôm.
Tới Vàm Láng lúc 4h chiều, tôi mới được biết chỉ có 2 chuyến đò dọc từ Vàm Láng (Gò Công) đi Cần Giờ (TP HCM) lúc 8h sang và 1h chiều. Chi phí thuê đò dọc là 600k nhưng thậm chí còn chẳng có cho mà thuê. Tôi ngao ngan nghĩ đến cảnh quay trở lại con đường hoang vắng, tít tắp, bụi bặm, sỏi đá trở lại Gò Công - Tiền Giang – Long An – SG và cái mục đích chinh phục cửa Soài Rạp của mình thành công cốc. Thật may mắn, cách chợ khoảng 1km có một bến đò ngang đi An Nhơn,
hơi xa và vắng tuy nhiên cũng ok, tôi nhanh chóng tìm đến nơi và mừng rỡ vì vẫn thực hiện được mục đích của mình. Lênh đênh trên con đò ngang vựơt 5km cửa Soài Rạp và hình dung ra dưới sâu kia 20m mới chạm đáy.
Bất chợt chẳng hiểu là nó sâu như thế nào nên làm phép so sánh: Lấy 17 đưa mình chồng lên sẽ đến đáy, uh, vậy thì sâu thật đấy, mình chẳng bao giờ muốn biết đáy sâu đó có gì, bất chợt thấy mình hâm hâm khi muốn đi chinh phục cửa Soài rạp nhưng lại nhận ra một điều là mình không thích biển và nước sâu kia. Cảm giác không an toàn, mờ mịt, lạnh lẽo và cô đơn. Dọc các bãi biển ở Việt Nam từ Trà Cổ, Cát Bà, Đồ Sơn, Đồng Châu, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, Đà Nẵng, Cửa Tùng, đến Phú Yên, Nha Trang, Phan Rang, Mũi Né, Hồ Cốc, Vũng Tàu, Cần Giờ, cho đến Phú Quốc Hà Tiên, điểm lại thấy mình đi cũng nhiều biển mà tằm chẳng bao nhiêu. Mình tắm được 3 hay 4 điểm gì đó.
Dẫu sao, mình cũng đã ở đây, đã vượt cửa song Soài Rạp rộng lớn, bập bềnh trên chiếc đò gỗ. Vui mừng vì đã đặt chân lại tp Hồ Chí Minh, vui mừng vì nhìn cảnh sắc hoang vu của Cần Giờ tuy nhiên mình phải nhanh chóng để đến được bến đò Hiệp Phước trước 6h cho chuyến đò cuối cùng về Nhà Bè. Chạy miệt mài không nghỉ, tôi và con ngựa sắt cũng đến được bến đò lúc 17:30, thật là may mắn. Về đến nhà, nhìn vào gương thấy mặt đen nhẻm, bê bết vì bụi, cát và mồ hôi, mỉm cười vì mình đã ở đây, thả mình vào dòng nước mát, sức lực hồi sinh. Nước thật là cần thiết tuy nhiên mình vẫn không muốn biết dưới đáy biển và sông có gì…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét