Thăm và chia sẻ cùng đồng bào Xơ Đăng ở Xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon TumShare
Monday, October 19, 2009 at 1:26pm
Link hình: http://picasaweb.google.com.vn/mandzimandza/TuMoRong16Oct2009#
Trước khi khởi hành, đoàn đã tham khảo đoàn bên c.VN cũng đi Kon Tum trước đó 3 ngày về thời gian di chuyển, thông tin từ đoàn bên c.VN là đi từ Saigon lên Kon Tum là 13 tiếng. Chẳng hiểu sao đoàn của mình đi mất tới 16 tiếng: từ 19:00 đêm ngày 16 đến 11:00 trưa ngày 17 mới đến được cầu Bla ở thị xã Kon Tum. Thật sự là đường đi rất khó, hư hỏng nặng, mà trời lại mưa suốt: Trời mưa từ trước giờ khởi hành ở Saigon, mưa rã rít mãi cho đến sáng ngày 18, mưa suốt chặng đường đi, mưa không ngớt trong lúc phát quà.
Nhật ký hành trình:
18:00 giờ ngày 16 tháng 10: Có mặt tại chùa Quan Âm, nhưng cả con người Thích Quãng Đức bị kẹt xe cứng ngắt, tiến thoái lưỡng nan. Cả đoàn quyết định: Xe đậu chờ ở công viên Gia Định, còn người thì dắt díu nhau đi bộ qua công viên Gia Định gặp xe ở đó. Một số người đến trễ vì kẹt xe. Saigon hễ sau 1 trận mưa lớn thì kéo theo là kẹt xe khắp Saigon.
19:00 giờ ngày 16 tháng 10: Chính thức lăn bánh.
23:15 giờ ngày 16 tháng 10: Dừng chân ở 1 cây xăng ở Đồng Xoài.
01:30 giờ ngày 17 tháng 10: Dừng chân ở Bù Đăng.
09:30 giờ ngày 17 tháng 10: Ăn sáng ở Pleiku: Mỗi người 1 gói mì tôm vì không tìm thấy quán ăn chay nào trong khi cả đoàn ăn chay.
11:00 giờ ngày 17 tháng 10: Gặp người dẫn đường ở thị xã Kon Tum, tiếp tục đi.
13:00 giờ ngày 17 tháng 10: Đến nơi: UBND xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Bắt đầu phát quà.
16:00 giờ ngày 17 tháng 10: Phát quà xong, rút quân ra khỏi vùng núi xã Đắk Hà.
18:00 giờ ngày 17 tháng 10: Trở lại thị xã Kon Tum. Ăn (vừa là ăn trưa, vừa là ăn tối). Cả đoàn đói và mệt rã rời sau 1 chuyến đi dài giờ và 1 ngày vất vã với 1 gói mì gói vào lúc 09:30 giờ sáng.
19:00 giờ ngày 17 tháng 10: Rút quân về Pleiku. Ngủ đêm tại Pleiku.
05:00 giờ sáng ngày 18 tháng 10: Khởi hành về lại Saigon. Chặng về thì thoải mái hơn, muốn dừng nghỉ chỗ nào thì dừng nghỉ, trời cũng đã hết mưa. (Mưa liên tục từ lúc khởi hành từ Saigon ngày 16 cho đến rạng sáng ngày 18 mới tạm dứt).
21:00 giờ ngày 18 tháng 10: Về tới Saigon.
Hai cái thương...
Một là thương cho đồng bào Xơ Đăng nơi ấy. Cuộc sống của họ thật là bấp bênh và cheo leo theo từng con sông từng vách núi. Lũ qua đi, đễ lại cho họ 1 khung cảnh hoang tàn: Cánh đồng tang hoang không thấy ngọn lúa, nhà cửa điêu tàn không thấy nóc, cây cối đỗ bùn sình dâng...
Trong những ngày lũ và cận sau lũ, cả tỉnh Kon Tum chia làm từng khúc từng khúc một, ai ở huyện nào thì ở yên huyện nấy, mọi liên lạc cắt đứt: Về đường bộ, cây cầu Bla là cửa ngõ vào thị xã Kon Tum bị ngập, không giao thông, cây cầu Diên Hồng là cầu nối thị xã Kon Tum với các huyện khác cũng bị ngập, không giao thông, đường xá thì sạt lỡ, miễn giao thông. Điện thoại, điện, nước sạch... cắt đứt.
Chú Hải, bí thư đảng ủy xã Đắk Hà kể: Có một ngôi làng bên xã Tu Mơ Rông mới tội, nguyên một ngọn đồi đỗ ập xuống làng, toàn bộ 20 người dân trong làng bị chôn vùi dưới đất, ngôi làng coi như bị xóa sổ trên bản đồ.
Hiện tại, vẫn còn 1 vài ngôi làng bị chia cắt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, lực lượng thanh niên xung phong vẫn liên tục ngày đêm cõng gạo băng rừng đạp núi đưa vào cho đồng bào.
Chị Yến, một người bạn ở Kon Tum kể: Nước ập rất nhanh. Có một gia đình sống cạnh cầu Diên Hồng, vừa mới thấy nước từ đằng xa chân núi, người vợ bảo chồng và con trai chạy trước, còn mình và con gái gom một ít tiền của rồi chạy sau. Nhưng không kịp nữa rồi, nước lũ cuốn trôi cả hai mẹ con. Người ta đã tìm thấy xác người mẹ, còn người con gái thì vẫn biệt tăm trong dòng nước lũ.
Còn thêm nữa, đoàn dự kiến sẽ có mặt và phát quà lúc 10:00 sáng ngày 17 tháng 10, vì thế đồng bào tập trung đầy đủ chờ nhận quà. Đồng bào chờ đoàn hoài chờ đoàn mãi, quá giờ ăn trưa, cho đến 13:00 giờ đoàn mới đến nơi. Đồng bào có người lội bộ cả ngọn núi đỉnh đồi mới tới được nơi nhận quà cứu trợ, vậy mà... chờ cho đến đói lã.
Thương lắm đồng bào miền núi.
Cái thương thứ hai là thương cho những người tham gia đoàn cứu trợ.
Trên xe có cụ đã già tới hơn 70 tuổi, chân đi muốn không nỗi, nhưng vẫn muốn đi cứu trợ đồng bào. Lúc đăng ký đi, ban tổ chức đã hỏi bà “lần đi này cực lắm đó, không như mấy lần trước đâu, chưa biết đường xá có đi được tới nơi không nữa, bà có đi nỗi không”, bà vẫn kiên quyết đi.
Nguyên một ngày 17 tháng 10, cả đoàn đói lã và mệt rã rời, biết đồng bào chờ đợi quá lâu và đồng bào cũng không được ăn trưa, cả đoàn quyết định không dừng chân ăn trưa mà tiếp tục đến nơi để phát quà cho đồng bào.
Đường đi quả thật là cheo leo. Đường từ Saigon lên Kon Tum hư hỏng nặng, lắc đầu lắc eo lắc cả bo-đì suốt 16 tiêng đồng hồ thì coi như vẫn còn dễ. Đoạn từ thị xã Kon Tum đến xã Đắk Hà mới ... ớn: Đường vô vúi, sạt lỡ nhiều khúc. Đi ngang đèo Măng Rớt mà không ai dám đi, chỉ nhắm mắt làm liều: đất sạt lỡ chỉ còn đúng mài vét cho xe chạy ngang, 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu, bên vực sâu nếu nhìn kỹ thì đất phía dưới mặt đường đã bị sạt lỡ sâu vào trong, chỉ còn mặt đường với 1 ít đất phía trên, tải nặng đi ngang qua thì không biết sẽ bị sập xuống lúc nào! (Lúc này, ban tổ chức đi xe 4 chỗ, nhỏ và nhẹ nên khá yên tâm, nhưng còn đoàn xe 29 chỗ thì .. run).
Việc phát quà chiếm thời gian khá lâu, mà trời lại cứ mưa không ngớt. Cả đoàn vừa phát quà mà vừa lo: Không biết lát nữa trở ra có được không, rủi mà đường sạt lỡ là xong, ở luôn trong vùng núi ấy! Phát đến khoảng 15:00 thì cả đoàn hầu như ai cũng lo, rất muốn trở ra. Ban tổ chức quyết định: Cả đoàn cứ lên xe trở ra Kon Tum trước, còn ban tổ chức ở lại, phát quà xong thì sẽ ra cùng với xe tải chở gạo. Tuy nhiên, sau đó thì cả đoàn (chắc là thấy thương ban tổ chức) nên quyết định ở lại phát cho xong luôn.
May thay, đoàn trở ra an toàn lúc trời vừa kịp tối.
Từ những cái nghèo cho đến những nỗi mất mát...
Mưa liên tục, mà đồng bào không có cái áo mưa đủ để che thân, chỉ choàng cái bao ni lông lên người cho đỡ ướt. Xin được vài cây dù, ai nấy đều mừng lắm. Áo quần thì cứ xốc lên xốc xuống, nút rớt, rách tà, dây kéo hư... Ai cho được cái mũ đội quả là quý lắm thay.
Nhu cầu lương thực thì quả là một vấn đề. Vùng núi ấy không hề có chỗ nào buôn bán họp chợ, hơn nữa, làng cách làng tới cả quả đồi to, đồng lúa đã bị cuốn theo dòng nước. Gạo đã rót về nhiều từ phía nhà nước và rất nhiều đoàn cứu trợ, nhưng nhu cầu thì vẫn còn rất lớn. Riêng xã Đắk Hà, với hơn 450 hộ gia đình đã có khoảng 2,430 nhân khẩu, với số lượng ít ỏi 9.4 tấn gạo mà đoàn đem đến thì ăn chỉ được bao nhiêu ngày! Chưa kể một số xã bị thiệt hại nặng nề hơn (nặng nhất vẫn là xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông), nhưng khả năng của đoàn là hạn chế, và đường xá giao thông cũng hạn chế, các đoàn cứu trợ không thể đến tận nơi được.
Theo chương trình hỗ trợ đói nghèo, nhà nước vừa cho vay vừa cho không được 1 ít tiền cất được cái nhà tạm gọi là khang trang, bão đi qua, nhà cũng đi theo bão. Nợ còn đó, nhà thì mất tăm.
Lại còn thêm nỗi mất mát người thân. Biết bao nhiêu người dìm mình trong nước lũ, để lại nỗi xót thương cho người còn sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét